Nhiều phụ huynh đã học cùng con nhưng vẫn còn lúng túng không biết phải làm như thế nào mới hiệu quả. Bởi đã có những nghiên cứu chỉ ra một số trường hợp cha mẹ học cùng con đã làm cho con kém đi, lại có phụ huynh chia sẻ là không nên học cùng con. Trường Tiểu học Sunshine Maple Bear xin chia sẻ bài viết của PGS. TS. Nguyễn Hữu Hợp – Khoa Giáo dục tiểu học – Đại học Sư phạm Hà Nội về vấn đề này.
Một ví dụ về việc cha mẹ cùng con
– Mẹ: Hôm nay con học những môn gì?
– Con: Toán, Tiếng Việt, Tự nhiên và Xã hội mẹ ạ.
– Mẹ: Hồi kia, mẹ thích môn Tự nhiên và Xã hội lắm. Thế, hôm nay con học bài gì vậy? Hay không?
– Con: “Khả năng kì diệu của lá cây”, con biết thêm về lá cây mẹ ạ.
– Mẹ: Nội dung chính thế nào con?
– Con: Lá cây có 3 chức năng là hô hấp, quang hợp và thoát hơi nước. Lá cây có nhiều lợi ích cho con người.
– Mẹ: Hay nhỉ! Này con, tại sao khi trời nắng mẹ con mình trú dưới bóng cây lại cảm thấy mát mẻ nhỉ?
– Con: Tại vì lá cây thoát hơi nước làm giảm nhiệt độ không khí ở đó, lá cây thải ra khí ô-xi làm cho thở dễ chịu mà mẹ.
– Mẹ: Con nói phải! Nhưng đồng thời lá cây hô hấp cũng “lấy đi” ô-xi mà. Vậy, khi đó lượng ô-xi được lá cây thải ra và hấp thụ có cân bằng không con nhỉ?
– Con: Ờ nhỉ, con không biết mẹ ạ.
– Mẹ: Khi học bài này, con có hỏi gì cô giáo không?
– Con: Con hỏi cô là, về mùa đông, cây bàng trụi lá, khi đó, quá trình quang hợp và hô hấp của cây thế nào?
– Mẹ: Câu hỏi hay quá! Cô trả lời con thế nào?
– Con: Cô bảo, câu hỏi này rất thú vị. Cô cười với con, nói là con về nhà tìm hiểu qua sách báo, in-tơ-nét, cha mẹ… rồi tiết sau cho cô và các bạn biết với.
– Mẹ: Vậy thì con tìm hiểu đi, mẹ cũng muốn biết điều đó.
– Con: Con sử dụng máy tính, hỏi bác “Gù” xem mẹ nhé..
Các phương pháp để học cùng con
- Làm thầy của con: Cha mẹ có thể dạy cho con những cái mới mà con chưa được học ở trường hoặc giúp trẻ vận dụng những điều đã học vào thực tiễn cuộc sống hằng ngày. Khi đó, cha mẹ nên đưa con vào tình huống có vấn đề để tạo hứng thú, kích thích tư duy của trẻ. Ví dụ: sau khi con học bài diện tích hình chữ nhật (lớp 3), cha mẹ có thể hỏi: Nhà ta định lát lại sân bằng gạch mới, con tính giúp bố cần bao nhiêu viên gạch, diện tích mạch ghép coi như không đáng kể?
- Làm bạn học với con: Cha mẹ cùng con giải quyết các vấn đề liên quan việc học tập (cùng con làm bài tập, cùng thảo luận, tranh luận với con, cùng giải quyết tình huống có vấn đề với con…). Ví dụ: Sáng mai chủ nhật, mẹ con cùng đi chợ mua thực phẩm cho bữa trưa có khách nhé. Mẹ dự tính chi 300.000 đồng cho việc này. Mẹ con mình cùng bàn xem, mình cần mua bán như thế nào?
- Làm học trò của con: Cha mẹ khéo léo gợi ý, khuyến khích trẻ nhớ lại, dạy lại cho mình những kiến thức trẻ đã học ở trường, trong đó, nêu những câu hỏi “thắc mắc” để phát triển tư duy của trẻ, đề cao những câu hỏi mà trẻ đặt ra cho thầy cô ở trường, khích lệ trẻ tự tìm tòi, tự tìm hiểu những điều mình muốn biết, muốn giúp người khác biết… Trong những trường hợp này, nhiều khi cha mẹ phải “giả vờ” không biết để trẻ khẳng định bản thân.
Tại sao nên tăng cường học cùng con?
- Tạo tình cảm gắn bó giữa cha mẹ và con cái, con cái cảm nhận được sự gần gũi, quan tâm của cha mẹ dành cho mình nói chung và đối với việc học tập của mình nói riêng.
- Giúp trẻ cảm nhận được ý nghĩa của sự học đối với thực tiễn cuộc sống của mình, tạo cho trẻ thói quen gắn nội dung học tập với thực tiễn cuộc sống hằng ngày.
- Giúp trẻ học tập một cách nhẹ nhàng, hiệu quả, hứng thú, qua đó, trẻ củng cố được kiến thức, hình thành được những kỹ năng, nhất là kỹ năng tư duy.
- Cha mẹ biết được việc học tập ở trường của con, học lực của con; từ đó, có biện pháp thích hợp để bù khuyết hay phát triển khả năng của trẻ.
Những thách thức khi học cùng con
- Tra vấn trẻ bởi “ta là cha, là mẹ có quyền đó” (kiểu hỏi này làm trẻ sợ sai, thiếu tự tin…).
- Áp đặt trẻ, nổi nóng với trẻ khi trẻ thất bại (trẻ hoảng sợ, co người lại và “xù lông nhím” làm cho việc cùng học thất bại).
- Thiếu hiểu biết về khả năng, năng lực của trẻ, đưa ra nội dung không vừa sức – quá khó hay quá đơn giản (nội dung không vừa sức dễ làm cho trẻ mất hứng thú).
- Thiếu thời gian dành cho trẻ (năm thì bảy họa mới hỏi trẻ vài câu thì cũng ít tác dụng).
- Cha mẹ thiếu kiến thức sư phạm (cha mẹ không biết đặt ra những câu hỏi, vấn đề thú vị, vừa sức thì khó kích thích được tư duy, gây hứng thú đối với trẻ hay cha mẹ muốn “cùng học” này vào thời điểm không thích hợp đối với trẻ…).
Bình luận đã được đóng lại.