Theo Vnexpress – Với mô hình này, học sinh được tìm kiếm, khám phá tri thức thông qua các trải nghiệm thực tế dưới sự tổ chức, định hướng của giáo viên.
Chia sẻ tại hội thảo “Sunshine Maple Bear – Cùng con kiến tạo tương lai” diễn ra ngày 20/1 tại Hà Nội, Thạc sĩ Đặng Thị Thanh Nhàn – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Sunshine Maple Bear cho biết, áp dụng thuyết kiến tạo trong giáo dục là một phương pháp hiệu quả, nhằm giúp phát huy tối đa năng lực người học.
Bên cạnh Thạc sĩ Đặng Thị Thanh Nhàn, chương trình còn có sự tham gia của nhiều chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực giáo dục như PGS.TS Phó Đức Hòa – Phó trưởng khoa Giáo dục Tiểu học, Đại học Sư phạm Hà Nội; Thạc sĩ Angela Quinn – Giám đốc đào tạo Maple Bear Khu vực châu Á; Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Minh – Giảng viên Khoa Ngữ văn Đại học Sư phạm Hà Nội.
PGS.TS Phó Đức Hòa chia sẻ tại sự kiện: “Theo mô hình thuyết kiến tạo, các hoạt động học tập cho phép học sinh xây dựng kiến thức bằng cách thử nghiệm các ý tưởng từ những kinh nghiệm và hiểu biết đã có, từ đó áp dụng vào các tình huống khác để rút ra kiến thức mới”.
Đồng quan điểm, Thạc sĩ Thanh Nhàn cho biết, việc học tập theo mô hình giáo dục áp dụng thuyết kiến tạo sẽ giúp học sinh có đủ năng lực và phẩm chất của những công dân thế kỉ 21.
Bên cạnh đó, Thạc sĩ Thanh Nhàn cũng khẳng định, xây dựng một môi trường giáo dục hạnh phúc và được tôn trọng cho giáo viên cũng như học sinh là mục tiêu quan trọng. Chỉ có như vậy giáo viên và học sinh mới phát huy tối đa khả năng sáng tạo trong giảng dạy và học tập. Nếu nhà trường có những cô giáo hạnh phúc, hài lòng với môi trường làm việc thì mới có những học sinh hạnh phúc.
Đi sâu vào các phương pháp và chương trình đào tạo hiện đại, cô Nhàn chia sẻ: “Tại Trường Tiểu học Sunshine Maple Bear, học sinh sẽ trực tiếp tham gia vào các dự án, hoạt động trải nghiệm hướng đến bản thân, nhằm giáo dục tính cách, phát triển năng khiếu và năng lực cá nhân. Các hoạt động STEM giúp học sinh phát triển năng lực khám phá, nghiên cứu khoa học. Ngoài ra, các em còn được chú trọng phát triển các kỹ năng về nhận thức, điều tiết, lý giải và phân tích cảm xúc (chỉ số EQ)”.
Cũng theo bà Angela Quinn – Giám đốc đào tạo Maple Bear khu vực châu Á, để trở thành những công dân toàn cầu trong tương lai, việc sử dụng thành thạo hai ngôn ngữ rất quan trọng, giúp trẻ phát triển về mọi mặt, tăng liên kết tế bào não, tác động tích cực đến các hoạt động nhận thức cấp cao.
“Tại một số chương trình ưu việt như Maple Bear Canada, ngay từ những năm đầu, học sinh đã được tiếp cận ngôn ngữ theo phương pháp thẩm thấu (Immersion), giúp các em có thể học và tư duy linh hoạt bằng cả hai ngôn ngữ Anh – Việt”, bà Angela Quinn cho biết.
Bên cạnh việc giới thiệu thuyết kiến tạo, hội thảo còn đưa ra chủ đề “sách với trẻ thơ”, thu hút nhiều sự quan tâm của phụ huynh.
Việc hình thành thói quen đọc sách ở trẻ là một trong những phương pháp quan trọng giúp trẻ phát triển toàn diện, tích lũy kiến thức, mở rộng hiểu biết về thế giới xung quanh. Chia sẻ về điều này, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Minh – Giảng viên Khoa Ngữ văn, Đại học Sư phạm Hà Nội – Sáng lập viên dự án “Sách ơi mở ra” cho rằng, mỗi học sinh đều có thể tự kiến tạo nên kiến thức của mình thông qua việc đọc sách.
“Đọc sách đúng cách sẽ giúp trẻ nuôi dưỡng sự tò mò, hứng thú trong học tập và được tiếp xúc với kho tàng kiến thức vô tận. Để làm được điều đó, nhà trường và gia đình cần phải có sự phối hợp để xây dựng môi trường đọc và hướng dẫn việc đọc sách cho trẻ”, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Minh khẳng định.
Bình luận đã được đóng lại.