ĐỔI MỚI PHƯƠNG PHÁP GIỚI THIỆU SÁCH PHÙ HỢP TRONG BỐI CẢNH HIỆN NAY

Nhằm nâng cao chất lượng lan tỏa văn hóa đọc bằng phương pháp giới thiệu sách mới, được sự chỉ đạo của Phòng Giáo dục & Đào tạo quận Tây Hồ, Trường Tiểu học – THCS Sunshine Maple Bear trở thành đơn vị chủ trì tổ chức buổi sinh hoạt chuyên môn về công tác thư viện trong Nhà trường của Quận vừa diễn ra vào chiều nay. 

Tham dự buổi sinh hoạt, về phía Phòng Giáo dục & Đào Tạo quận Tây Hồ, có bà Đào Thị Bích Ngọc – Chuyên viên phụ trách thư viện Tiểu học & THCS; bà Nguyễn Lượm – Chuyên viên phụ trách truyền thông cùng sự tham gia của 16 cán bộ thư viện đến từ các trường Tiểu học & THCS quận.

HÀNH TRÌNH ĐỌC ĐÃ ĐI

Biến cố do Covid-19 khiến giáo dục truyền thống phải chuyển sang trực tuyến, học sinh phải tự học là một thử thách nhưng cũng là một cơ hội để chúng ta tư duy lại một cách nghiêm túc về nhiều khía cạnh, trong đó đặc biệt là sự tiếp cận, giới thiệu sách thư viện. Vốn là một mảng giáo dục trọng tâm, Sunshine Maple Bear luôn chú trọng phát triển văn hóa đọc như một nền tảng cơ bản cho việc học tập suốt đời của học sinh từ cấp Mầm non đến hết Trung học phổ thông. Hoạt động đọc của Sunshine Maple Bear được triển khai trong toàn bộ chương trình nhà trường trong các môn học, các câu lạc bộ và các dự án học tập.

Khi hình thức giới thiệu sách trực tiếp không còn phù hợp trong bối cảnh học sinh phải tạm dừng đến trường, thư viện trường buộc phải linh động thích ứng, tìm kiếm các giải pháp đưa sách đến gần hơn với bạn đọc, nuôi dưỡng và không ngừng lan tỏa các giá trị tích cực. Thực tế, trải qua 2 năm tạm dừng đến trường, Thư viện Nhà trường liên tục có cách tiếp cận mới như chủ động phát động các dự án, cuộc thi đa dạng hình thức thể hiện như Cuộc thi Sunshine Readers mùa hè (35 sản phẩm) , cuộc thi Điểm Sách (62 sản phẩm), Dự án tôi có thể đọc 100 cuốn sách (Học sinh chia sẻ sản phẩm trên nền tảng padlet, teams), CLB đọc sách trực tuyến thứ 2 và thứ 5, Hoạt động đọc sách hàng tuần trong 15 phút đầu giờ,… Đồng thời tiếp cận công nghệ số, sử dụng các ứng dụng như camtasia, canva,… để sản xuất video giới thiệu sách trực tuyến, sinh động giúp các con dễ dàng truy cập sản phẩm mọi lúc, mọi nơi. Bên cạnh sự tham gia đông đảo của các học sinh, còn là sự hưởng ứng tích cực của phụ huynh. Điều này cho thấy, sự quan tâm đúng mực đến việc đọc sách của tất cả mọi người.

Bà Đào Thị Bích Ngọc – chuyên viên phụ trách thư viện Tiểu học & THCS của Phòng Giáo dục & Đào Tạo quận Tây Hồ đánh giá cao những ý tưởng sáng tạo của thư viện Nhà trường. Trong bối cảnh học sinh không được đến trường nhưng việc đưa sách đến bạn đọc không bị chìm đi; thậm chí Nhà trường đã luôn có cách tiếp cận mới, phù hợp với đối tượng bạn đọc. Bà cũng đánh giá cao cơ sở vật chất phòng Thư viện của nhà trường và xem đây là điểm sáng cần được nhân rộng.

HÀNH TRÌNH GIEO VĂN HÓA ĐỌC KẾ THỪA VÀ TIẾP BIẾN

Tại Sunshine Maple Bear, tất cả các thầy cô đều có chung một quan điểm đó là: Người lớn giống như một chiếc gương phản chiếu. Chúng ta muốn học sinh làm điều gì, trước hết chúng ta phải làm điều đó. Trên hành trình lan tỏa văn hóa đọc hôm nay, thầy cô giáo đang nỗ lực trở thành một tấm gương để các con noi theo, cùng xây dựng tập thể đọc sách và thúc đẩy văn hóa, từ đó tạo ra những đứa trẻ đọc sách và có trong mình tinh thần học tập trọn đời.

Mỗi một cấp học, hoạt động đọc được triển khai theo nhiều hướng khác nhau. Cấp Tiểu học, hoạt động đọc hướng tới việc xây dựng thói quen và kỹ năng đọc cho các bạn nhỏ thông qua các tiết đọc cùng giáo viên trên lớp. Các con tự tin chia sẻ về những quyển sách đã đọc ở nhà, kể chuyện nhập vai, kịch hóa các tác phẩm văn học,… Cấp THCS, hoạt động đọc đi vào hướng chuyên sâu với mục tiêu tự chủ, tự nghiên cứu phục vụ cho các môn học chính khóa và các dự án học tập tiến tới trở thành tác giả, có thể làm chủ ngòi bút của mình.