Trần Minh Nhật Anh, học sinh lớp 1B1, Trường Tiểu học Sunshine Maple Bear vừa đạt Giải Đồng kỳ thi Olympic ASMO, bộ môn Tiếng Anh. Chị Nguyễn Hường – Phụ huynh của Nhật Anh đã có những chia sẻ khá mới mẻ về các cuộc thi nói chung và áp lực xoay quanh sự cạnh tranh thứ bậc giải thưởng.
Cần thêm những cuộc thi không áp lực
– Gia đình có suy nghĩ như thế nào khi quyết định cho Nhật Anh tham gia kỳ thi Olympic ASMO?
Thực ra cơ duyên đến với cuộc thi rất tình cờ. Trước cuộc thi một tuần, gia đình nhận được thông tin từ một người bạn và quyết định cho Nhật Anh tham gia, nhằm mục đích thử sức cũng như đánh giá năng lực, điểm mạnh, điểm yếu của con, giúp con có kế hoạch học tập hợp lý hơn trong tương lai.
Khi tham gia cuộc thi, cả bố mẹ và Nhật Anh đều không đặt ra bất cứ một mục tiêu nào cụ thể. Con đạt giải là tin tốt, nhưng ngay cả khi con không đạt giải thì con vẫn nhận được nhiều thứ: ví dụ như cơ hội được cọ sát hay trải nghiệm. Đây chính là những yếu tố giúp con tự tin hơn, dạn dày hơn chứ không tấm huy chương hay thành tích.
– Với mục tiêu như vậy thì chắc hẳn rằng việc ôn luyện của Nhật Anh cũng không quá áp lực phải không ạ?
Đúng là việc ôn luyện của Nhật Anh không quá nhiều áp lực. Con chỉ học bài trên lớp và làm thêm đề thi Tiếng Anh lớp 3-4 năm 2019 của ASMO, do chúng tôi không tìm được đề tham khảo phù hợp với lứa tuổi của con. Cũng trong quá trình ôn tập, mẹ Nhật Anh có nhờ thêm giáo viên tiếng Anh của lớp 1B1 hỗ trợ con ôn tập thêm và nhận được sự giúp đỡ nhiệt tình từ cô giáo.
Nhìn lại cả quá trình luyện tập của con, gia đình mới thấy là con có tâm lý thoải mái, vui vẻ. Đi thi mà vui như đi chơi vậy. Đây cũng chính là quan điểm giáo dục của gia đình: không bao giờ đặt nặng kết quả thi cử. Áp lực về kết quả học tập chỉ khiến những cuộc thi trở thành gánh nặng cho trẻ: Trẻ ôn luyện quá nhiều sẽ không có thời gian giải trí, cân bằng cuộc sống. Khi không đạt giải, trẻ sẽ tự ti với cảm giác kém cỏi. Tất cả những điều này đều dẫn đến những hệ lụy không mong muốn cho sự phát triển của các con. Vì thế mà gia đình tôi luôn tránh.
– Đi thi không gặp áp lực, nhưng khi về lại đạt giành được giải thưởng, chắc chắn là cả ba mẹ và Nhật Anh đều cảm thấy rất vui phải không ạ?
Đúng là Nhật Anh rất vui vì lần đầu thử sức đã đạt được chút thành quả. Con còn hỏi thêm “Thế huy chương màu gì là giải cao nhất hả bố, nó có đẹp không?” Khi nghe bố trả lời là “màu vàng”, Nhật Anh nói vui là lần sau con sẽ cố gắng đạt được huy chương vàng để xem có đẹp hơn màu đồng không.
Bố mẹ nghe đến thì cảm thấy vui trước câu hỏi của con, nhưng vì không đặt nặng giải thưởng, nên ngay cả khi con đạt giải, gia đình cũng cho con hiểu rằng niềm vui không đặt ở tấm huy chương, mà là ở quá trình học tập, trau dồi kiến thức.
Phương pháp học tập đóng một vai trò quan trọng
– Để chuẩn bị cho Nhật Anh hành trang tốt nhất trở thành một công dân thành công trong tương lai, gia đình lựa chọn phương pháp giáo dục như thế nào?
Hiện tại thì Nhật Anh chỉ theo học hoàn toàn chương trình học tại trường Sunshine Maple Bear. Gia đình không cho con học thêm, ôn luyện thêm các chương trình hoặc bộ môn học tập nào khác. Cả tôi và mẹ Nhật Anh đều tin rằng phương pháp nuôi dạy con tốt nhất chính là mang đến cho con sự giáo dục và môi trường phát triển toàn diện: cả về tri thức và cảm xúc. Do đó, chúng tôi không ép con học quá nhiều mà cố gắng tạo điều kiện để cho con phát huy được khả năng và làm những gì con yêu thích tại trường và ở nhà.
– Vậy điều gì khiến bố mẹ tin tưởng gửi gắm Nhật Anh tại Sunshine Maple Bear?
Hồi hè, bố mẹ Nhật Anh cho Nhật Anh theo học khoá Go with me để cho con tự cảm nhận theo cách riêng của mình. Nhật Anh thích lắm vì đi học con thấy rất vui. Sau đó bố mẹ Nhật Anh qua trường tham khảo chương trình học và ngoại khoá của các con với 3 trường song ngữ khác nữa để so sánh, và cảm thấy rằng Sunshine Maple Bear có phương pháp giáo dục và chương trình giáo dục khá giống với quan điểm giáo dục của gia đình.
Trường mới đi vào hoạt động nên bố mẹ nghĩ các con là những thế hệ đầu sẽ rất vinh dự trở thành những mầm non đầu tiên lớn lên từ ngôi nhà Sunshine Maple Bear.
Bình luận đã được đóng lại.